Hội nhập – thách thức ngôn ngữ cho người Việt trẻ

0
23

Tiếng Anh của giới trẻ Việt chưa đuổi kịp các nước trong khu vực

Xu thế hội nhập đem đến không ít thách thức cho người Việt trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Để có được nhiều thuận lợi trong giao lưu học hỏi thì thông thạo ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, theo khảo sát về trình độ tiếng Anh thì chỉ số cho thấy chúng ta vẫn thụt lùi so với những nước có cùng tốc độ phát triển như Philippines, Indonesia,…

Tiếng Anh từ lâu đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông như 1 môn học bắt buộc với hầu hết học sinh Việt Nam từ những năm đầu của giáo dục tiểu học nhưng việc học tiếng Anh có thật sự hiệu quả? Trải qua từ 7 đến 10 năm học tiếng Anh, chưa có đến 20% sinh viên có thể nói thành thạo tiếng Anh. Thời gian học tiếng Anh có thể dài nhưng xem ra thực hành ngôn ngữ mới thật sự là con đường còn nhiều gian nan ở nước ta.

Dự đoán tới năm 2020, ⅓ dân số Thế giới sẽ nói tiếng Anh như ngôn ngữ quốc tế. Chỉ trong chưa đầy 4 năm nữa liệu giới trẻ Việt Nam đã sẵn sàng nói tiếng Anh để vươn ra Thế giới?

Tiếng Anh quan trọng như thế nào?

Hội nhập không chỉ là cơ hội giao lưu giữa những nền kinh tế mà còn là cuộc giao lưu giữa các thị trường lao động với nhau. Cử nhân Việt Nam sẽ sớm hòa chung với thị trường lao động của các bạn trẻ từ Thái Lan, Indonesia, Philippines,…Thử đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng quốc tế, bạn sẽ chọn ai: người giỏi nghề nhưng không thể nói tiếng Anh hay người biết nói tiếng Anh nhưng kĩ năng nghề nghiệp chưa vững? Câu trả lời có lẽ đơn giản hơn bạn nghĩ, nhà tuyển dụng chọn người họ có thể nói chuyện. Bởi, giao tiếp là khởi đầu của mọi thứ. Khi có giao tiếp, thông tin mới được trao đổi, mọi người mới hiểu được nhau, mối liên hệ giữa ứng viên và nhà tuyển dụng từ đó mới được hình thành.

Theo ông Vũ Trọng Tuấn, giám đốc 1 doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch tại TP HCM, sự mở cửa và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam sẽ thúc đẩy quy trình tuyển dụng của các công ty trở nên gắt gao hơn do tính cạnh tranh của thị trường lao động. Tấm bằng Đại học giờ đây không còn là yếu tố tiên quyết, thay vào đó khả năng ngoại ngữ, tư duy sáng tạo, khả năng làm việc theo nhóm mới là những yếu tố cần có của 1 ứng viên thời hội nhập.

Giới trẻ cần sự hỗ trợ để sẵn sàng hội nhập

Xuất phát điểm của sự hỗ trợ đến từ trường học, nơi các bạn trẻ dành phần lớn thời gian của mình để học tập và trau dồi kĩ năng trước khi bước vào ngưỡng cửa hội nhập. Phương pháp dạy và học tiếng Anh cần được đổi mới từ bậc tiểu học, chú trọng thêm vào các kỹ năng nghe nói thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp như trước đây. Với các bậc học cao hơn, trường học cần có tiêu chí cụ thể về tiếng Anh cho học sinh, sinh viên trước khi tốt nghiệp để đảm bảo đầu ra cho lực lượng lao động nước nhà.

Bên cạnh nỗ lực từ phía nhà trường, mỗi bạn học sinh sinh viên cũng nên chủ động nhận biết tầm quan trọng của tiếng Anh, từ đó đề ra phương án học tập và sự hỗ trợ cần thiết từ giáo viên và gia đình.

Việt Nam có thể đuổi kịp các nước trong khu vực để sẵn sàng hội nhập hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào chính nỗ lực của mỗi cá nhân người Việt trẻ ngày hôm nay.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here