Đi du học ở Philippines – Mày có khùng không?

0
192

Đây là bài viết chia sẻ chân thành từ Nguyễn Vũ Trung Hiếu trên Facebook, VietPhil đăng tải với sự đồng ý của tác giả, gửi đến các bạn học sinh đang có nhu cầu tìm hiểu đi du học tiếng Anh tại Philippines với tính chân thực và bình dị của bài chia sẻ.

Chuyện học Anh văn tại Phil dạo gần đây rộ lên một phần là do Page Tony Buổi Sáng và một phần cũng là do những lợi ích nó mang lại thật sự rất tốt. Tuy nhiên việc học tại Phil không phải là thiên đường, không phải là một màu hồng, không phải là cứ ai cũng qua học là cũng tăng khả năng tiếng Anh lên nên nếu bạn thấy ai mà tô cho việc học Anh văn tại Phi một vẻ ngoài bóng bẩy và xinh tươi thì đa cấp đấy.

Kết thúc khoá học 3 tháng tại đây, cá nhân mình nhận thấy thứ thay đổi mình nhất là mind set và khả năng giao tiếp tiếng Anh “dài hạn”.

1. Mindset:

Theo mình đây là điều mình được nhiều nhất khi mình qua đây học, môi trường bên đây buộc bạn phải thay đổi cả suy nghĩ và hành động. Trước khi đi học khóa anh văn 3 tháng bên đây mình đã quyết định nghỉ việc, giống như qua sông đốt thuyền vậy :)). Tất nhiên mình không khuyên các bạn làm như mình, ý mình là bạn phải quyết tâm theo nó đến cùng như là đây là cơ hội duy nhất các bạn có. Vì đối với mình số tiền 100 triệu cho 3 tháng học là số tiền lớn. Việc mình làm đã phá vỡ rào cản đầu tiên trong mindset của mình: sự ổn định và tâm lý an toàn. Khi chọn qua đây học tất cả những thứ mình có thể search được là từ trung tâm tư vấn và thông tin do Page Tony đưa ra, thời điểm đó rất ít bạn chia sẻ về chuyện học anh văn tại Phi như thế nào nên mình cũng lo. Có thể nói quyết định qua Phil học lúc đó là mình làm liều!

Rào cản thứ hai bị phá vỡ đó là tư duy tự hài lòng với bản thân. Trước đây thành công đối với mình là được làm việc cho những công ty có tiếng và mức lương ngon, sang chảnh. Nhưng qua đây mình bị tát cho tỉnh. Mình gặp những bạn Nhật với những chuyến working holiday đi khắp thế giới, một cô bé Nhật nhỏ con nhưng đã leo Himalaya, một ku kĩ sư robot người Nhật siêu thông minh nhưng rất khiêm tốn, một anh bạn Ả rập rất thân thiết với những điều rất kì lạ về thế giới Ả rập khiến mình có cái nhìn thiện cảm hơn về Hồi giáo, một anh giám đốc công ty phân bón 40 tuổi bạn dượng Tony (cảm ơn anh về những kinh nghiệm về kinh doanh cũng như cuộc sống mà anh dạy em), và những câu chuyện về những khó khăn ban đầu và quá trình thành công của các bạn quản lý người Việt bên đây. Mình mới thấy mình quá nhỏ bé và khái niệm thành công của mình quá tầm thường. Những trải nghiệm như thế là vô giá, nó giá trị hơn gấp ngàn lần các lớp học làm giàu hay các lớp thay đổi tư duy hoặc các lớp dạy “làm thế nào để thành công” vì mình nhận ra rằng không có công thức chung nào cho cách làm giàu hay cách thành công cả, chúng chỉ có chung một quá trình đó là sự kiên trì, nỗ lực và tinh thần không lùi bước.

Rào cản cuối cùng bị phá vỡ đó là định kiến xã hội. Ở nước mình thì có cái quy luật 1 2 3 4 (đó là một vợ, hai con, nhà ba tầng và xe bốn bánh =). Ra nước tự do rồi mới thấy sống thật thoải mái, người ta quan trọng giá trị bản thân bạn chứ không quan trọng bề ngoài. Và thước đo thành công là khả năng tự quyết định cuộc sống của bản thân và bạn có mang lại lợi ích gì cho xã hội không hay đơn giản chỉ là bạn có cảm thấy hạnh phúc không?

2. Khả năng giao tiếp tiếng Anh “dài hạn”

Như các bạn biết, ngôn ngữ không phải là một môn học, chúng ta sinh ra đã có sẵn tất cả ngôn ngữ của thế giới lưu trong trí nhớ nhưng vì vị trí địa lí khác nhau nên ngôn ngữ sử dụng khác nhau. Ví dụ: chúng ta có 20 ngôn ngữ lưu trong trí nhớ nhưng bạn sinh ra ở Việt Nam thì chỉ xài được vùng Việt Nam hoặc sinh ra ở Mỹ thì chỉ xài được vùng Mỹ. Nhưng nó vẫn hiện diện ở đó. Việc học ngoại ngữ đơn giản là lôi những gì có sẵn ra qua lời nói, giống như dạng mật khẩu vậy, đọc đúng thì mới xài được. Nên người ta mới nói kĩ năng pronunciation quan trọng là vậy (cái này mình bịa nhưng thấy cũng đúng haha).

Tại sao mình dùng từ “dài hạn”? Nhiều bạn học tiếng Anh lâu nhưng không lên mà không biết vì sao, theo mình trong tiếng Anh, môi trường quyết định tất cả, cùng là một người học Anh Văn, cùng 1 giáo viên, cùng một giáo trình , chắc chắn người học ở môi trường nói tiếng Anh sẽ tiến bộ nhanh hơn là người sống ở Việt Nam đơn giản là vì người ở môi trường nước ngoài người ta có điều kiện giao tiếp nhiều hơn và phát âm chuẩn hơn nên mở được nhiều vùng lưu trữ ngôn ngữ trong não hơn.

Hơn nữa, khi mình học ở đây mình thấy khả năng phản xạ thay đổi rất nhiều, từ vựng và cách phát âm cũng theo đó mà thay đổi luôn. Mình có cảm giác rất đã khi có thể diễn tả cho người ta hiểu mà không dùng body language (quơ tay quơ chân ấy, lúc đầu qua đây xài cái này chủ yếu) và cảm giác tự tin khi phát âm một số từ giống với tiếng bản ngữ. Và khi nó thành phản xạ thì bạn sẽ nhớ rất lâu.

Nói riêng với các bạn IELTS, tiêu chí quan trọng của IELTS là cách bạn sử dụng tiếng Anh thế nào thể hiện qua việc bạn nói trôi chảy, tự nhiên và thoải mái. Hiện tại luyện speaking ở nước ta chủ yếu là theo “tủ”, điều này có nhược điểm là khi bạn trật tủ hoặc quên 1 câu trong đáp án, thì sẽ rất khó để trả lời trôi chảy, hơn thế khi trả lời cảm giác giống như đang nghe máy trả bài. Một điểm chết người của cách học này là khi bạn qua nước ngoài, người ta đâu có hỏi bạn theo tủ, đâu phải chỉ có working, education, enviroment, criminal v.v… mà là tất cả những khía cạnh trong cuộc sống. Mình có một số bạn chia sẻ rằng tao thi 6.5 IELTS bên này mà qua đây như vịt nghe sấm vậy. Hơn nữa việc học theo “tủ” rất nhàm chán, ví dụ khi người ta hỏi là bạn có thích bông hoa không, thì đáp án phải nói là I am crazy about bông hoa, nó làm tôi thấy yêu đời thi vị này nọ lọ chai =)). Không cần thiết nha, bạn có thể nói tui không thích hoa vì hoa sến và không ăn được, đại loại vậy :3, người ta chấm cho 9.0 luôn vì mình độc và mình chứng tỏ mình có chính kiến hehe.

Đây là bảng điểm mình mới thi hôm 30/7, trước khi qua IELTS của mình test là tầm 5.0

Ngoài khả năng tiếng Anh tăng, kiến thức xã hội và các kĩ năng mềm của mình tăng đáng kể luôn hehe. Mình biết được rằng các bạn Hồi Giáo chẳng hạn như Arabian cũng rất khổ, mặc dù mức lương khởi điểm của họ là 3.000$ và được miễn phí các phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện nhưng bù lại họ sống không thoải mái. Đồ ăn thì cấm ăn thịt heo, không rượu bia thuốc lá. Lấy vợ thì không được nhìn mặt trước haha. Mình cũng hiểu tại sao người Nhật không thích lập gia đình và cách làm việc rất bài bản của họ. Học được thêm các câu nói thông dụng của Nhật, Ả rập và của Phi nữa. Được mời ăn Kapsa (món ăn truyền thống của Ả rập), ăn mì lạnh của Nhật, uống cà phê Ả rập. Mình tự tin hơn khi bắt chuyện với các bạn quốc tế, rồi ngồi kể chuyện gia đình bạn bè, tụ tập qua phòng nấu đồ ăn hay là rủ nhau đi biển nữa. Có thể nói đây là lần đầu mình trải nghiệm cuộc sống sinh viên và kí túc xá là như thế nào. Đó là lần đầu tiên mình ăn lẩu bằng ly, lần đầu tiên mặc đồ truyền thống của Arabian (cái hình trên là nóc là mình đó :D). Khi về nước rồi cứ thấy nhớ cảm giác tụ họp đó vô cùng.

Khổ qua, thịt kho và rau muống xào tỏi trong bữa liên hoan của học sinh Việt
Nấu ăn luôn trên tàu
Bữa lẩu bằng ly với các bạn học sinh bên đây

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here