Đi học tiếng Anh ở Philippines – Kỳ 3: Tiếng Anh khởi nghiệp

0
221

“Ở Philippines, tuần nào tôi cũng bịn rịn chia tay bạn học. Nhiều bạn cùng quê hương về nước để kiếm việc lương cao hơn, có bạn thi IELTS đạt điểm tốt thì du học châu Âu. Nhưng cũng có những câu chuyện thật khác…”

Đọc phần 1: Kinh nghiệm đi học tiếng Anh ở Philippines – Kỳ 1: Tại sao tôi chọn Phil?

Đọc phần 2: Kinh nghiệm đi học tiếng Anh ở Philippines – Kỳ 2: Trạm dừng trước khi ra thế giới

leo-nui-tai-philippines-1
Một buổi đi dã ngoại của các học viên ( ảnh: VietPhil)

Học xong, mở quán phở Việt trên đất Phil

Sáng sớm, tôi hào hứng bắt đầu ngày mới ở lớp học 1:1 với cô giáo Ruffa. Trò chuyện một hồi, cô giáo hỏi tôi biết gỏi cuốn không, món cô từng thử ngon lắm. Không chần chừ, tôi giới thiệu ngay một “tour” chi tiết ẩm thực Việt từ Bắc đến Nam. Qua các hình ảnh, video trên điện thoại.

Nhìn món ăn Việt, chúng tôi xuýt xoa. Cô Ruffa thích thú muốn ăn thử, còn tôi thì nhớ đến thèm. Hết giờ học, tôi chạy liền xuống tầng trệt hỏi Henry (26 tuổi, quản lý học viên) có biết quán ăn Việt nào ở Baguio không. 

Kết quả không còn gì tuyệt hơn khi ngay trong lòng thành phố có một quán vừa mở. Hứng thú nhân lên gấp bội khi chủ quán chính là người Việt. Từng học tiếng Anh Philippines ở ngôi trường kế bên trường chúng tôi. Và khởi nghiệp món Việt ngay trên xứ người này.

Đúng hẹn chiều thứ bảy, tôi và nhiều bạn Việt khác tới quán ăn thử. Trước khi rủ các thầy cô và học viên nước khác. Baguio vào mùa mưa, thấp thoáng đằng xa biển hiệu “Pho Hanoi in Baguio”. Niềm vui dâng lên, chúng tôi bước nhanh tới quán. Hầu hết các bàn đều có khách. Có bàn thức ăn được bày biện sẵn sàng cho ai đó đã đặt trước.

Vội bước đến chỗ chúng tôi, anh Nguyễn Đức Bình (Tony Nguyen, 48 tuổi) hỏi thăm như bạn bè thân thiết lâu ngày không gặp. “Chỉ cần nghe tiếng, thấy người Việt vào quán thì mình vui lắm. Xa quê càng thương mến người cùng quê” – anh Bình nói với ánh mắt gần gũi. 

Hương thơm thức ăn phảng phất, chúng tôi mở thực đơn. Đập ngay vào mắt là những món ăn thân thương như phở bò, phở gà, bún chả, bún nem, chả giò, gỏi cuốn, bánh xèo, cơm chiên…

Vui vẻ nhìn chúng tôi ăn ngon miệng, anh Bình tâm sự năm 2018 anh qua New Zealand mở quán ăn. “Nhưng qua tới nơi rồi, người ta bắt mình chứng minh tài chính, giấy tờ đủ kiểu, chưa kể tiếng Anh kém quá không thể làm được, đành phải về Philippines học” – anh kể. 

Học ở Philippines vài tháng, anh nhận ra thị trường Philippines rất tốt để kinh doanh đồ ăn Việt. Chưa kể các thủ tục, giấy tờ dễ dàng hơn New Zealand.

Sẵn kinh nghiệm hơn 10 năm nấu ăn ở Đức, anh Bình lập tức tìm hiểu nguồn nguyên liệu. Lo visa theo diện qua Philippines đầu tư làm ăn. Kèm giấy phép lao động, xin mã số thuế và các thủ tục khác. 

Tháng 5 vừa rồi, anh chính thức khai trương quán ăn có không gian thoáng đãng, trầm ấm với vài bức tranh gợi nhớ Hà Nội mến thương. Ban ngày, đa số người Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc tới ăn. Ban đêm và hai ngày cuối tuần thì học viên Việt tấp nập ghé quán.

Ngồi ăn phở bò ngon lành, chị Chona (49 tuổi) khen: “Món này rất ngon miệng. Tôi làm ngay gần đây, chắc chắn sẽ ghé ăn tiếp”. Còn chị Myla (30 tuổi, giáo viên) đang ngồi ăn cùng học viên Việt. Trường chị nằm ở gần đỉnh núi nên xuống đây mất vài tiếng. 

Nhưng chị vẫn tới thử cho biết: “Nhìn sơ một số món có vẻ giống Philippines, nhưng quan sát kỹ thì khác. Các món có mùi mạnh, vị đậm đà. Tôi nghĩ nếu tới đây ăn nhiều lần sẽ nghiện”.

Xem thêm: Du học và làm việc tại Philippines 

anh-binh-doi-mu-dang-chi-cach-lam-mon-an-viet-cho-khach-hang-
Anh Bình (đội mũ) chỉ cách làm món ăn Việt cho khách hàng – Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Khởi nghiệp sau thất bại

Trước khi biết chương trình học tiếng Anh tại Philippines, bạn tôi từng kể về mô hình học tiếng Anh online 1:1. Cũng nhờ học chương trình này mà bạn đậu phỏng vấn. Và hiện đang làm việc ở nước ngoài với mức lương hấp dẫn.

Lần mò thông tin về tiếng Anh 1:1, tôi tìm được Facebook anh Sơn (Sumuel Son). Thông tin du học Philippines được anh cập nhật, giúp tôi hình dung rõ hơn. Rồi có ngày, thay vì cứ bấm “like”, hai anh em cũng ngồi trò chuyện với nhau. Sơn nhớ lại ngày trước anh có làm cho Samsung, sau đó dừng lại và tự khởi nghiệp. Anh lao vào đọc sách theo trào lưu, học các khóa làm giàu, có khóa 2 ngày 8 triệu đồng. 

“Dù trước đây chưa bao giờ kinh doanh, nhưng từ khi đọc và học các khóa, mình ngộ nhận mình giỏi kinh doanh. Nhưng khởi nghiệp thì thất bại nhanh chóng, 5-6 tháng hết sạch tiền” – anh Sơn không thể quên ký ức này.

Khởi nghiệp thất bại, lỡ tuyên bố với bạn bè rằng không đi làm thuê nữa, anh lang thang vô định khắp phố cổ Hà Nội. Rồi một thông tin khiến anh thức tỉnh:

“Báo chí nói rất nhiều về Cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương). Mình nhận ra hội nhập không có tiếng Anh thì chả làm được gì cả, làm chủ hay làm thuê cũng cần học tiếng Anh.”

Sau đó, Sơn đăng ký cùng lúc hai trung tâm tiếng Anh có tiếng tại Hà Nội. Hai tháng không đi làm, anh chỉ vào trung tâm tiếng Anh và Thư viện Quốc gia để học. “Nhưng đi ra ngoài gặp Tây, mình nói họ khó hiểu” – anh Sơn chân tình chia sẻ. 

Anh xem được thông tin Philippines có dạy tiếng Anh 1 kèm 1, môi trường nói tiếng Anh 24/24. Vậy là anh vay tiền lần nữa, xoay xở 90 triệu đồng để đi học. “Chính xác là sau 2 tháng mình giao tiếp được với mọi người. Người ta nói mình hiểu, mình nói người ta hiểu”.

Chưa về vội, Sơn ở lại trường làm trưởng phòng marketing. Trong 1 năm, anh tuyển cho trường 100 học viên, có cả học viên Ả Rập, Pháp, Colombia. Làm ở Philippines, Sơn được ngủ phòng VIP, lương tối thiểu 1.800 USD, cao thì 5.000 USD/tháng. Anh có tiền thoải mái đi du lịch, sử dụng dịch vụ sang trọng. Nhưng mỗi ngày công việc lặp lại nhàm chán, anh không thấy mình phát triển thêm.

Ngổn ngang trăn trở, anh nhớ có lần hỏi học viên Hàn, Nhật tại sao trước khi qua đây học thêm, họ đã nói được tiếng Anh. Có phải chương trình giáo dục tiếng Anh trong trường học của họ đã đạt? Nhưng câu trả lời là trường họ cũng tập trung vào ngữ pháp tương tự Việt Nam. Họ nói được là nhờ học online 1:1. 

Sau khi tìm hiểu, Sơn khát khao về quê hương lập nghiệp, tham gia giáo dục ngoại ngữ. Về nước, anh làm tuyển sinh cho trường, tham gia vài dự án. Đến tháng 10-2017, trường dạy tiếng Anh online do anh tự mở chính thức khởi động.

Nhưng khó khăn vẫn tiếp tục. “Ngày đó mời người ta học thử cũng bị chửi, họ nói game online chứ học online tiếng Anh cái gì” – Sơn kể. 

Không nản chí, anh dồn tâm trí phát triển mô hình, xây dựng đội ngũ, tạo lộ trình phù hợp cho học viên. Hiện có hơn 50 giáo viên Philippines đang dạy cho trường online này. Hàng ngàn học viên người Việt sống trong nước và các nước châu Á, Phi, Mỹ đã và đang học qua các khóa Cambridge trẻ em, tiếng Anh giao tiếp cho người lớn, luyện thi IELTS, TOEIC.

Mô hình dạy tiếng Anh này linh hoạt về thời gian. Học viên được vạch ra lộ trình học cụ thể phù hợp với khả năng và nhu cầu của mình. Giáo viên phải có từ 2 năm kinh nghiệm trở lên và trải qua các vòng gửi hồ sơ, phỏng vấn, dạy thử. Nếu lúc trước học viên chỉ tham gia vài tháng rồi nghỉ, thì nay nhiều học viên đóng học phí nguyên năm.

Xem thêm: Mô hình học Semi Sparta

Là người từng thất bại, nhưng Sơn đã đứng dậy bằng chính tiếng Anh sau khi vay tiền qua Philippines học tiếng Anh…

Được cả đồng hương lẫn khách nước ngoài ủng hộ, anh Bình tâm sự: “Quán Việt do người Việt mở thì khách ủng hộ lắm. Mục tiêu mình là lấy quán ăn ở Baguio làm bàn đạp, dạy con trai thạo nghề, sau này lên Manila mở thêm”. Chia sẻ dự án lớn, Bình kể mới đây không lâu chỉ nghĩ “quá giang Phil” để luyện tiếng Anh trước khi đi xa hơn.

Chi phí học ở Philippines rất rẻ so với Singapore, Úc, Mỹ. Nhưng cũng có những người tìm cách qua Philippines học tiếng Anh không mất đồng phí nào mà còn được trả tiền. Họ là ai? Học thế nào?

Phần 4: Kinh nghiệm đi học tiếng Anh ở Philippines – Kỳ 4: Học tiếng Anh miễn phí tại Phil

(Nguồn: báo Tuổi Trẻ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here